Kiến trúc Nāga

Trong Phật giáo Naga có hình dáng của một con rắn mang bành lớn, thường xuất hiện với một cái đầu hay nhiều đầu. Trong nghệ thuật Phật giáo, Naga thỉnh thoảng được miêu tả dưới dạng một con rắn ngóc những cái đầu lên cao phủ che Phật và thường thấy ở tranh, tượng mô tả Phật thiền định ngồi trên những cuộn quấn của vua Naga. Đây là một motif phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo, đặc biệt xuất sắc là các pho tượng sa thạch của mỹ thuật Campuchia thế kỷ XI, XII. Trong những ngôi chùa, rắn thần Naga xuất hiện khắp nơi, từ cổng chùa, đến nóc chùa, đầu đao, trên những cánh cửa tủ đựng kinh sách với ý nghĩa bảo vệ Phật khỏi tà ma ngoại đạo.

Trong kiến trúc nhiều ngôi chùa cổ của người Khmer Nam bộ, hình ảnh cầu vồng và rắn Naga tượng trưng cho cầu nối giữa trần gian và cõi Niết bàn. Các phù điêu Naga nơi mái cuốn của ngôi chùa người Khmer có ý nghĩa trong việc trừ tà, tránh hoả hoạn và bảo vệ đạo Phật. Hình dạng uốn lượn của rắn Naga tạo nên những cung vòm quanh các tiền cột, những lan can quanh các hồ nước và lối đi. Những lối đi đó thường được gọi là "cầu Naga", nhưng trong mọi trường hợp thân hình dài tượng trưng cho cầu vồng nối liền thiên giới và hạ giới[1].

Tượng Naga ở Lào

Rắn Naga là mô típ trang trí quan trọng và phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Khmer phù hợp với những kiến trúc quanh co, uốn lượn của các công trình phật giáo Khmer. Các mô típ trang trí hình đầu rắn Naga rất hung dữ nhưng bao giờ và ở đâu cũng thấy quay đầu xuống để tỏa vẻ thuần phục trước oai lực của phật giáo. Điều đó còn có nghĩa, phật giáo có những điều đặc biệt trong quá trình độ thế và cảm hóa thế gian. Trong các ngôi chùa Khmer ở vùng Tây Nam Bộ đều có rắn Naga ngự trên các mái chùa, các đầu đao để xua đuổi tà ma và bảo vệ đạo Phật.

Ngoài ra cũng có hình tượng rắn Naga được chạm trổ bằng xà cừ uốn lượn quấn quanh những cánh cửa chùa, trên những chiếc tủ đựng kinh sách, trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu tượng trưng cho vị thần đưa linh hồn người tốt lên cõi Niết Bàn. Mang một thông điệp về ý nghĩa trong phật giáo nam Tông Khmer hình tượng rắn một đầu là biểu tượng cho đức toàn giác, nghĩa là trên thế gian chỉ một đức phật duy nhất là đấng toàn giác và cũng chính điều đó nên người Khmer họ chỉ thờ một vị phật Thích Ca duy nhất mà không thờ thêm một vị phật hay một vị thần nào khác; hình tượng rắn ba đầu là tượng trưng cho tam bảo, gồm Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo[2].

Ở miền Bắc Thái Lan, Naga là một quy ước kiến trúc phổ biến. Trong vai trò bảo hộ chánh điện thờ Phật, Naga được thể hiện dưới dạng Naga trượt trên diềm mái chùa; cuộn/quấn dưới mái hiên gie ra đến từ những rầm mái; bao quanh khung/cửa tò vò; trượt trên mặt tiền cột/trụ; và lượn sóng dọc theo lan can chánh điện phức hợp. Trong mỗi trường hợp, đầu Naga hay những cái đầu dựng đứng như che chở, miệng chúng mở to, thè lưỡi và những hàng răng sắc nhọn. Ngọn lửa bùng lên từ đầu, cách điệu hóa cao. Từ cổ thân hình Naga thường hay rũ xuống thành dải uốn cong đều đặn làm dịu bớt tính dữ tợn của con mắt tròn rực cháy và dãy vây lưng tua tủa.

Naga có thể xuất hiện đơn lẻ hay trong dạng nhiều đầu. Những cái đầu, thường là số lẻ, những cái đầu hai bên hay nhỏ hơn cái đầu chính giữa vươn cao. Trong dạng nhiều đầu, những cái đầu thường đội mũ miện, tạo nền cho bố cục ba mặt. Thi thoảng Naga xuất hiện riêng lẻ, nhưng phổ biến hơn thường được miêu tả là đầu nó mọc ra từ miệng thủy quái Makara, như biểu thị sự kết hợp của hai loài bò sát huyền thoại nhằm tăng cường sự dũng mãnh để bảo hộ/ ngăn ngừa sự thâm nhập của các thế lực xấu ác vào chùa qua các khe hở, những lỗ trống. Những đồ án kiến trúc nói trên không chỉ phổ biến ở Bắc Thái mà còn thể hiện rộng rãi trong các chùa tháp Phật giáo Nam tông ở các quốc gia khác.

Trong các công trình cổ, có các hình tượng rắn 3 đầu, 5 đầu, 6 đầu, 7 đầu và 9 đầu. Rắn 3 đầu tượng trưng cho thiên – địa – nhân; 5 đầu là kim – mộc – thủy – hỏa – thổ; 6 đầu biểu trưng cho nữ giới, trái đất, thể xác và sự chết chóc, 7 đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và 9 đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nāga http://dulichsoctrang.org/bai-viet/530/truyen-thuy... http://baotintuc.vn/dan-toc/tuc-tho-ran-naga-cua-n... http://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2013/01/14/1B... http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/255/0/6... http://bandantoc.hochiminhcity.gov.vn/vh/-/asset_p... http://vtc.vn/phong-su-kham-pha/bi-an-it-biet-ve-r... https://books.google.com/books?hl=de&lr=&id=caskYE... https://books.google.com/books?id=3IvrAAAAMAAJ&dq=... https://books.google.com/books?id=Xd50t19YpJEC https://archive.org/details/cu31924021444728